Sáng 12/9 (tức ngày 17/8 âm lịch), Ban Tổ chức Lễ hội mùa thu Côn Sơn-Kiếp Bạc (tỉnh Hải Dương) tổ chức trọng thể Lễ tưởng niệm 722 năm ngày mất của Anh hùng dân tộc Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn (1300-2022) và khai hội mùa thu Côn Sơn-Kiếp Bạc năm 2022.
Đồng chí Phạm Xuân Thăng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hải Dương và các đại biểu dâng hương tưởng niệm.
Các đồng chí Phạm Xuân Thăng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hải Dương; Lê Văn Hiệu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; một số đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy; đồng chí Nguyễn Minh Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Tổ chức Lễ hội mùa thu Côn Sơn-Kiếp Bạc năm 2022; Trần Văn Quân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Chử Xuân Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội; lãnh đạo các sở, ngành, địa phương, tỉnh bạn cùng đông đảo nhân dân và du khách thập phương tới dự.
Diễn văn do đồng chí Nguyễn Minh Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Tổ chức Lễ hội mùa thu Côn Sơn-Kiếp Bạc đọc tại Lễ tưởng niệm, khẳng định, đã thành tục lệ thiêng liêng “Tháng tám giỗ cha”, nhân dân cả nước lại tìm về tưởng nhớ, tri ân Đức Thánh Hưng Đạo Đại vương. Trên vùng đất Kiếp Bạc linh thiêng còn âm vang Hào khí Đông A trên 700 năm trước, Lễ tưởng niệm năm nay là dịp bày tỏ lòng biết ơn đối với Anh hùng dân tộc Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn.
Đồng chí Nguyễn Minh Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương, Trưởng Ban Tổ chức Lễ hội mùa thu Côn Sơn-Kiếp Bạc đọc diễn văn tưởng niệm.
Quốc Công Tiết chế Trần Hưng Đạo tên thật là Trần Quốc Tuấn sinh năm 1228, thuộc dòng dõi tôn thất quý tộc nhà Trần. Từ nhỏ, Trần Quốc Tuấn đã nổi tiếng là người có dung mạo khôi ngô, thông minh xuất chúng, thông kim bác cổ, văn võ song toàn. Là người tài năng, lại biết giữ gìn rường mối quốc gia, nên qua 4 đời vua Trần, ông đều được trọng dụng, để tiếng thơm lưu truyền, hậu thế tôn vinh, thờ phụng. Trần Hưng Đạo là một hình tượng sáng ngời của lòng yêu nước, tinh thần quật khởi đấu tranh giải phóng dân tộc.
Sau 3 lần chiến thắng quân Nguyên Mông, giữ gìn non sông bền vững, đời sống con dân no ấm, ngày 20/8 năm Canh Tý 1300, ông mất tại phủ đệ Vạn Kiếp. Triều đình tiến phong “Thái sư Thượng phụ Thượng Quốc công nhân vũ Hưng Đạo Đại vương”; nhân dân Đại Việt suy tôn ông là “Đức Thánh Trần cửu thiên vũ đế”, lập đền thờ để tưởng nhớ công lao to lớn của người đối với non sông, đất nước ngay trên nền vương phủ gọi là đền Kiếp Bạc.
Tuyên đọc văn tế ca ngợi công trạng trong xây dựng, bảo vệ đất nước của Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn.
Chương trình còn có tuyên đọc văn tế ca ngợi công trạng trong xây dựng, bảo vệ đất nước của Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn.
Trong khuôn khổ lễ hội, các đại biểu cùng du khách chứng kiến lễ hội quân trên sông Lục Đầu, tái hiện Hào khí Đông A hơn 700 năm về trước.
Chiến thắng của Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn và quân đội nhà Trần đã góp phần đánh dấu chấm hết thời kỳ đỉnh cao của quân Nguyên Mông trong lịch sử. Công lao to lớn này đã đưa ông lên hàng thiên tài quân sự có tầm chiến lược và là một anh hùng dân tộc bậc nhất của nhà Trần.
Màn hội quân trên sông Lục Đầu tái hiện Hào khí Đông A hơn 700 năm về trước.
Sau 2 năm do tình hình dịch bệnh, năm nay lễ hội được tổ chức với quy mô vốn có, với các nghi lễ chính đã được chuẩn hóa như: Lễ tưởng niệm và khai hội, lễ khai ấn và ban ấn, lễ cầu an – hội hoa đăng, Lễ giỗ Đức Thánh Trần, đặc biệt là tổ chức Tuần Văn hóa-Du lịch hội thu để quảng bá các sản phẩm du lịch, sản phẩm đặc trưng của Hải Dương.
Lễ hội không chỉ là dịp giao lưu, tăng cường tình đoàn kết, quảng bá, giới thiệu về khu di tích trong quá trình hoàn thiện hồ sơ cùng với hai tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang trình UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa thế giới mà còn góp phần gìn giữ, bảo vệ, phát huy giá trị khu di tích./.
(Theo Báo Đảng cộng sản)