Home Di tích do ban quản lý trực tiếp Cụm di tích quốc gia đặc biệt Hồ Hoàn Kiếm và đền...

Cụm di tích quốc gia đặc biệt Hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn – Di tích đền Bà Kiệu

Giới thiệu

Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn là di tích Quốc gia đặc biệt. Cảnh quan khu vực Hồ Hoàn Kiếm với trung tâm tín ngưỡng là đền Ngọc Sơn đã trở thành một trong những biểu tượng văn hóa đặc biệt của Thủ đô.

Hồ Hoàn Kiếm: ở giữa lòng thành phố, có diện tích khoảng 12ha, được bao quanh bởi các đường phố Đinh Tiên Hoàng, Lê Thái Tổ, Hàng Khay dài khoảng 1.800m. Mặt nước là tấm gương lớn soi bóng la đà những cây cổ thụ, những rặng liễu thướt tha bóng rủ, những mái đền, chùa cổ kính, tháp cũ rêu phong, các toà nhà mới cao tầng vươn lên trời xanh. Hồ là dấu tích của một khúc sông Nhị Hà; từng có tên gọi là Hồ Lục Thủy vì nước có màu xanh quanh năm.

Hồ Hoàn Kiếm có nghĩa là hồ trả gươm, dân gian gọi tắt là Hồ Gươm. Tên gọi đó xuất hiện từ một truyền thuyết thời vua Lê Thái Tổ, thế kỷ XV. Tương truyền rằng, nhà vua trước đây đã được trời ban cho thanh gươm báu để giúp đánh thắng giặc Minh giải phóng non sông đất nước. Một năm sau khi đuổi giặc Minh, một hôm vua Lê Lợi cưỡi thuyền rồng dạo quanh hồ Tả Vọng, Long Quân sai rùa vàng lên đòi lại thanh gươm thần. Khi chiếc thuyền rồng tiến ra giữa hồ, tự nhiên có một con rùa lớn nhô đầu và mai lên khỏi mặt nước. Rùa vàng nhô đầu lên cao, tiến về phía thuyền vua và nói: “Xin bệ hạ hoàn gươm lại cho Long Quân!”. Vua rút gươm quẳng về phía rùa vàng. Nhanh như cắt, rùa há miệng đớp lấy thanh gươm và lặn xuống nước. Từ đó hồ Tả Vọng bắt đầu mang tên là hồ Gươm hay hồ Hoàn Kiếm.

Tháp Rùa: là một công trình kiến trúc được coi là dấu ấn đặc trưng của hồ Gươm. Tháp có tên chữ là: Quy Sơn tháp, tức là Tháp Núi Rùa (vì là đảo đất tự nhiên, vào ngày hè rùa thường lên đây phơi nắng và đẻ trứng). Xưa kia, từ thời vua Lê Thánh Tông đã dựng Điếu Đài ở đó để nhà vua ra câu cá. Sang thời Lê Trung Hưng (khoảng thế kỷ 17-18), chúa Trịnh cho xây đình Tả Vọng trên gò nhưng sang thời Nguyễn thì không còn dấu tích.

Tháp Rùa được khởi công xây dựng vào khoảng năm 1884-1886. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, Tháp Rùa đã trở thành hình ảnh quen thuộc đối với mỗi người dân Hà Nội và du khách thập phương. Ngôi tháp được xây dựng trên một gò đất rộng khoảng 350m2, theo hình vuông có 3 tầng, tầng dưới xây rộng hơn, rồi thu nhỏ dần lên tầng trên, là sự kết hợp phong cách kiến trúc châu Âu với hàng cửa cuốn gô-tích hai tầng dưới nhưng phần mái cong giữ quy thức kiến trúc Việt Nam.

Đền Ngọc Sơn

Đền Ngọc Sơn toạ lạc trên đảo Ngọc trong Hồ Hoàn Kiếm. Đền Ngọc Sơn là di tích văn hoá tín ngưỡng tôn giáo, nơi thờ Thánh Trần Hưng Đạo và Quan Vũ Đế cùng hai vị võ tướng được xếp vào hàng “Thánh” và cũng là nơi chứng kiến những buổi tập thuỷ chiến của quân đội Đại Việt. Năm 1864, nhà nho yêu nước là Nguyễn Văn Siêu đã đứng ra tu sửa lại toàn cảnh. Trong đền, ông đề cao việc thờ thần Văn Xương, vị sao chủ trông nom khoa cử theo tín ngưỡng Đạo giáo. Ông cho xây kè đá ở chân đảo, dựng đình Trấn Ba ngay trước đền và trông thẳng ra đảo Rùa.

Kiến trúc hiện nay của đền Ngọc Sơn về cơ bản vẫn giữ được quy mô, kiểu dáng từ thời Nguyễn Văn Siêu tu sửa. Từ ngoài vào, các công trình kiến trúc gồm: Nghi Môn ngoại, Tháp Bút, Nghi Môn nội, Đài Nghiên, cầu Thê Húc, cổng Đắc Nguyệt, đình Trấn Ba, nhà Tiền Tế, Trung đường, Hậu cung, Tả hữu vu, nhà Kính thư, nhà Hậu (phòng Rùa).

Cầu Thê Húc: Dẫn vào đền Ngọc Sơn có hệ thống cổng và một cây cầu có tên là “Thê Húc” nối đảo Ngọc với bờ Đông của Hồ Hoàn Kiếm. Thê Húc nghĩa là “Nơi đậu ánh nắng ban mai”, tên cầu đã gợi lên bao điều thơ mộng.

Nguồn: Sở Du lịch Hà Nội