Home Di tích do ban quản lý trực tiếp DI TÍCH 48 PHỐ HÀNG NGANG – NƠI CHỦ TỊCH HỒ CHÍ...

DI TÍCH 48 PHỐ HÀNG NGANG – NƠI CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH VIẾT TUYÊN NGÔN ĐỘC LẬP KHAI SINH NƯỚC VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA

     Ngôi nhà số 48 phố Hàng Ngang, phường Hàng Đào, quận Hoàn Kiếm – Nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh viết Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hoà vào ngày 2 tháng 9 năm 1945, đã trở thành một trong các điểm di tích tiêu biểu về Chủ tịch Hồ Chí Minh trên toàn quốc.

Ngôi nhà 48 Hàng Ngang những năm 40 của thế kỷ 20 (Ảnh tư liệu)

     Có vị trí thuận lợi, nằm giữa khu phố cổ, trung tâm buôn bán sầm uất của đất Hà thành và thông ra hai mặt phố Hàng Ngang và Hàng Cân, nguyên chủ nhân của ngôi nhà của gia đình ông Trịnh Văn Bô và bà Hoàng Thị Minh Hồ là gia đình tư sản yêu nước và có truyền thống kinh doanh tơ lụa. Việc lựa chọn khu phố buôn bán tấp nập người qua lại và nhà của một thương gia để bố trí cho Ban thường vụ Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh ở và làm việc đã được Trung ương tính toán kỹ lưỡng nhằm đảm bảo an toàn, bí mật tuyệt đối.

Chân dung vợ chồng doanh nhân ông Trịnh Văn Bô

và bà Hoàng Thị Minh Hồ      

     Đây là ngôi nhà cao tầng ở phố Hàng Ngang, từ trên cao có thể bao quát được xung quanh, có cửa sắt chắc chắn thuận lợi cho công tác bảo vệ an toàn. Tại tầng hai của ngôi nhà Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí Trung ương Đảng ở, làm việc và hội họp từ ngày 25 tháng 8 năm 1945 đến ngày 02 tháng 9 năm 1945. Tại đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cùng Ban Thường vụ Trung ương Đảng quyết định nhiều chủ trương quan trọng về đối nội, đối ngoại, về thể chế và thành phần của Chính phủ lâm thời; về tổ chức ngày Lễ Độc lập… Đặc biệt, Người đã viết bản “Tuyên ngôn độc lập”, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Đây là một sự kiện lịch sử quan trọng, có ý nghĩa vô cùng to lớn, đánh dấu bước ngoặt phát triển của lịch sử dân tộc Việt Nam.

 

              Bản Tuyên ngôn độc lập (Ảnh tư liệu)     

     Ngày 2/9/1945 tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, trước hơn 50 vạn quốc dân đồng bào Bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam  Á đã được vang lên, chấm dứt chế độ phong kiến quân chủ đã tồn tại cả ngàn năm và gần một trăm năm đô hộ của chủ nghĩa thực dân xâm lược, mở ra kỷ nguyên mới cho lịch sử dân tộc: Độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội, vươn lên sánh vai cùng các cường quốc năm châu.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập trước quốc dân đồng bào tại quảng trường Ba Đình, Hà Nội, ngày 02/9/1945

        Tuyên ngôn Độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời trong một thời điểm trọng đại và phức tạp của lịch sử, có ý nghĩa xác lập tính hợp pháp và hợp hiến của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, là bản anh hùng ca mở đầu kỷ nguyên mới Độc lập tự do và Chủ nghĩa xã hội của dân tộc Việt Nam.

 
Căn phòng nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh  khởi thảo bản
Tuyên ngôn độc lập

Phòng khách – nơi các đồng chí Thường vụ Trung Ương xin ý kiến chỉ thị của Bác

Phòng họp của Ban chấp hành Trung Ương 
     Với những giá trị to lớn nêu trên, di tích đã được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích cấp Quốc gia, theo quyết định số 54/VH-TT/QĐ ngày 29 tháng 4 năm 1979. Hiện nay, các tài liệu, hiện vật liên quan đến Ngôi nhà 48 Hàng Ngang – nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh viết Tuyên ngôn độc lập được Ban Quản lý di tích danh thắng trưng bày tại tầng 01 ngôi nhà, trong đó có một số tài liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân dịp kỷ  niệm 130 năm ngày sinh của Người (19/5/1890- 19/5/2020).
     Đây là địa chỉ thu hút rất nhiều các đoàn khách trong nước và quốc tế tới tham quan, góp phần vào việc giáo dục truyền thống yêu cách cách mạng cho các thế hệ./.