Di tích nhà 90 Thợ Nhuộm (phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm) là một trong những di tích lịch sử Cách mạng quan trọng của thủ đô Hà Nội trong thời kì kháng chiến. Đây là nơi Đồng chí Trần Phú (1904-1931) Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người cộng sản kiên cường, mẫu mực, người con ưu tú của Đảng và dân tộc đã dự thảo bản Luận cương Chính trị đầu tiên của Đảng.
Ngôi nhà số 90 phố Thợ Nhuộm kiến trúc theo kiểu biệt thự, ở ngã tư Hàng Bông – Thợ Nhuộm – Quang Trung, xưa là đại lộ Giôrêghibery (Jauréguiberry). Vào năm 1930 tòa biệt thự này mang số 7 phố Giăng Soler (Rue Jean Soler) là nhà của Béc tơ (Bertheur – người Pháp) Thanh tra Sở Tài chính Trung ương trực thuộc phủ toàn quyền Đông Dương.
Gia đình Béc tơ có hai vợ chồng và một con gái nhỏ ở hai tầng trên, còn tầng hầm là nơi ở và làm việc của những người làm công (bếp chính, bếp phụ, bồi bàn, bồi giặt, khâu đầm và kéo xe). Sau khi tìm hiểu kỹ về tòa nhà này và nhờ sự giúp đỡ của đồng chí Tạ Văn Bân (người nấu bếp), cơ quan Thường vụ Trung ương Đảng đã chuyển đến đây đầu tháng 4 năm 1930. Đồng chí Trần Phú được bố trí ở tại tầng hầm và được giao nhiệm vụ soạn thảo bản Luận cương Chính trị của Đảng và được bảo vệ an toàn.
Trong thời gian viết bản Dự thảo Luận cương chính trị, đồng chí Trần Phú thường ngồi trên nền nhà lấy phản làm bàn viết. Để có cơ sở nghiên cứu và viết Dự thảo Luận cương chính trị, đồng chí Trần Phú đã dựa trên những nguyên lý phổ biến của Chủ nghĩa Mác Lê-Nin về sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân và về cách mạng giải phóng dân tộc, sử dụng nhiều loại sách, tài liệu như cuốn Đường Kách mệnh, thư của Quốc tế Cộng Sản gửi các nước Đông Dương, Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt của Đảng do đồng chí Nguyễn Ái Quốc soạn thảo, cùng tình hình thực tế của một số địa phương có phong trào đấu tranh sôi nổi như: Nam Định, Thái Bình, Hải Phòng, Hòn Gai… Bản Luận cương do đồng chí Trần Phú dự thảo đã xác định rõ kẻ thù của dân tộc Việt Nam lúc đó là thực dân Pháp, bọn phong kiến địa chủ và tay sai cho đế quốc, nêu rõ nhiệm vụ của cách mạng là phải đánh đổ bọn chúng, giành độc lập cho dân tộc, ruộng đất cho dân cày.
Tháng 10 năm 1930, Hội nghị lần thứ nhất Ban chấp hành Trung ương Đảng họp tại Hương Cảng (Trung Quốc) đã thông qua Luận cương chính trị, đổi tên Đảng Cộng sản Việt Nam thành Đảng Cộng sản Đông Dương. Tại Hội nghị này, đồng chí Trần Phú đã được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng và sau đó đồng chí vào Sài Gòn hoạt động cách mạng.
Ngày 18/4/1931, đồng chí Trần Phú bị địch bắt tại nhà số 66 đường Săm pa nhơ (Champagne) Sài Gòn. Thực dân Pháp đã dùng mọi thủ đoạn dã man, xảo quyệt hòng khuất phục đồng chí, kể cả việc dụ dỗ, mua chuộc để hòng khai thác thông tin, nhưng đều thất bại trước tinh thần gang thép của người cộng sản. Ngày 06/9/1931, đồng chí đã trút hơi thở cuối cùng tại nhà thương Chợ Quán. Trước lúc hy sinh, đồng chí Trần Phú nhắn gửi đồng chí, đồng bào lời nói bất hủ: “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu”.
Phẩm chất cộng sản kiên cường và khí tiết lẫm liệt của đồng chí trước kẻ thù là tấm gương bất diệt cổ vũ muôn đời các thế hệ người Việt Nam trong cuộc chiến đấu vì độc lập, tự do của dân tộc, vì ấm no, hạnh phúc của nhân dân. Sau 68 năm kể từ ngày đồng chí Trần Phú hy sinh, phần mộ của đồng chí được tìm thấy tại nghĩa trang Chợ Quán, Sài Gòn (nay là Công viên văn hóa Lê Thị Riêng, quận 10, thành phố Hồ Chí Minh).
Năm 1999, Đảng và Nhà nước tổ chức trọng thể lễ truy điệu đồng chí, sau đó di dời hài cốt đồng chí về an táng tại đồi Quần Hội, trước bến Tam Soa thuộc xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh.
Hiện nay tại di tích lưu niệm 90 Thợ Nhuộm, Ban Quản lý di tích danh thắng Hà Nội trưng bày một số hình ảnh, tài liệu, hiện vật liên quan đến đồng chí Trần Phú và trưng bày bổ sung tài liệu, hiện vật liên quan đến ngôi nhà và cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí chào mừng kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 – 3/2/2020).
Với những giá trị đó, ngôi nhà 90 phố Thợ Nhuộm đã được Bộ Văn hóa (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng Di tích lịch sử cấp Quốc gia tại Quyết định số 29-VH/QĐ ngày 13/01/1964. Di tích thường xuyên mở cửa phục vụ khách tham quan và đây cũng là địa chỉ đỏ để các cơ quan, đoàn thể, tổ chức đến đến làm lễ kết nạp Đoàn, Đảng, báo công, dâng hương trước tượng đài Tổng Bí thư vào các dịp lễ tết, ngày kỷ niệm lớn của dân tộc.