Home Di tích do ban quản lý trực tiếp DI TÍCH NHÀ CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH Ở VÀ LÀM VIỆC...

DI TÍCH NHÀ CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH Ở VÀ LÀM VIỆC THÁNG 12 NĂM 1946 TẠI VẠN PHÚC, HÀ ĐÔNG – ĐỊA ĐIỂM GẮN VỚI LỜI KÊU GỌI “TOÀN QUỐC KHÁNG CHIẾN” CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH MỞ ĐẦU CUỘC KHÁNG CHIẾN TOÀN THỂ DÂN TỘC VIỆT NAM ĐỨNG LÊN GIÀNH ĐỘC LẬP DÂN TỘC

Là địa điểm di tích Cách mạng kháng chiến gắn với lời kêu gọi “Toàn quốc kháng chiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là tiếng gọi của của non sông đất nước khơi dậy lòng tự hào, truyền thống anh hùng, bất khuất, kiên cường, ý chí “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” của nhân dân Việt Nam.

Ngôi nhà nằm trong làng Vạn Phúc, phường Vạn Phúc, quận Hà Đông nổi tiếng với nghề dệt lụa cổ truyền và truyền thống cách mạng, chủ nhân ngôi nhà là ông Nguyễn Văn Dương đã dành toàn bộ gác 2 để Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các đồng chí trong đoàn công tác ở và làm việc từ ngày 3 tháng 12 năm 1946 đến ngày 19 tháng 12 năm 1946.


Di tích nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh viết Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến tại phường Vạn Phúc, Quận Hà Đông, Hà Nội

Tại đây, ngày 18 và 19 tháng 12 năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trì Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đảng mở rộng, quyết định phát động cuộc kháng chiến trên phạm vi cả nước, đề ra đường lối cơ bản của cuộc kháng chiến và thông qua “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” do Người soạn thảo trong đó nhấn mạnh “Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”.

Mở đầu cho cuộc trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc ta. Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến đã được Hội nghị thường vụ Trung ương Đảng mở rộng thông qua vào ngày 19/12/1946, gồm 4 đồng chí: Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh, đồng chí Võ Nguyễn Giáp – Ủy viên Trung ương phụ trách Quốc phòng và đồng chí Lê Đức Thọ – Ủy viên thường vụ.

Giờ chiến đấu đã điểm, đúng 20h ngày 19/12/1946 Bộ Trưởng Quốc phòng, Tổng chỉ huy các lực lượng vũ trang Võ Nguyên Giáp đã quyết định mở cuộc tấn công lớn trên toàn lãnh thổ Việt Nam, điện toàn thành phố vụt tắt, tiếng súng từ pháo đài Láng báo hiệu cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc ta đã bắt đầu. Sáng sớm ngày 20/12/1946 tại Hang Trầm, Đài tiếng nói Việt Nam đã phát đi Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Hồ Chủ tịch kêu gọi toàn thể dân tộc Việt Nam đứng lên đánh đuổi thực dân Pháp xâm lược – mở đầu cho cuộc trường kỳ kháng chiến của dân tộc ta.

Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa ra đời là một thắng lợi vĩ đại, một mốc son chói lọi trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Trong cuộc đời hoạt động Cách mạng, Hà Nội thủ đô, trái tim của cả nước có vinh dự lớn là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa và Hà Nội cũng là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh viết Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến tại Vạn Phúc, Hà Đông.

 Với những giá trị lịch sử ấy, năm 1975 Nhà Chủ tịch Hồ Chí Minh ở và làm việc tháng 12 năm 1946 tại Vạn Phúc, Hà Đông đã được Bộ Văn hóa (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng tại Quyết định số 09/VH/QĐ-BVHTT ngày 21 tháng 02. Bản gốc “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” do Chủ tịch Hồ Chí Minh soạn thảo đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật Quốc gia ngày 01 tháng 10 năm 2012, hiện lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.

Ngày nay, di tích đã đón tiếp rất nhiều đoàn khách từ trung ương đến địa phương, trong đó có đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh, Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Thủ tướng Phan Văn Khải, Đại tướng Võ Nguyên Giáp… và rất nhiều các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các cụ lão thành cách mạng, học sinh, sinh viên tới tham quan.

Để chào mừng kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2020) và chào mừng kỷ niệm 75 năm ngày Toàn quốc kháng chiến (19/12/1946 – 19/12/2021). Ban Quản lý di tích danh thắng Hà Nội tổ chức trưng bày bổ sung  “không gian dệt lụa” tại di tích, qua đó giới thiệu các hình ảnh, tài liệu, hiện vật trong không gian văn hóa tiêu biểu của làng lụa truyền thống Cách mạng.

Một số hình ảnh trưng bày “Không gian dệt lụa”